Giới thiệu chung

0
11180
  1. Quá trình hình thành và phát triển

Khoa Điện tử – Viễn thông (ĐTVT), Trường ĐHCN được thành lập ngày 3 tháng 01 năm 1996 tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHKHTN) và được tái thành lập ngày 9 tháng 9 năm 2004. Trải qua các giai đoạn phát triển với nhiều khó khăn, thử thách từ Khoa Công nghệ Điện tử – Viễn thông thuộc Trường ĐHKHTN (giai đoạn 1996-1999), ngành Điện tử – Viễn thông thuộc Khoa Công nghệ – ĐHQGHN (giai đoạn 1999-2004) đến Khoa Điện tử – Viễn thông ngày nay, Khoa đã sớm khẳng định được vị thế là một địa chỉ có uy tín về đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ thuộc lĩnh vực điện tử  – viễn thông trong cả nước, đang vững bước hội nhập với khu vực và thế giới. Ngành Công nghệ Điện tử Viễn thông là một trong những ngành đào tạo đại học được ĐHQGHN lựa chọn đầu tư chiến lược để phát triển đạt trình độ quốc tế (nhiệm vụ chiến lược của ĐHQGHN – từ 2008). Năm 2016 với nguồn lực thế mạnh sẵn có, Khoa ĐTVT phát triển chương trình đào tạo chất lượng cao ngành Công nghệ, kỹ thuật Điện tử – Viễn thông theo Thông tư 23. Cùng xu thế phát triển liên ngành, liên chương trình đào tạo để phát huy thế mạnh của các đơn vị, chương trình đào tạo kỹ sư ngành Kỹ thuật máy tính đã được mở vào năm 2017. Chương trình đào tạo này là sự kết hợp liên ngành giữa Điện tử Viễn thông và Công nghệ thông tin. Với sự phát triển hợp tác quốc tế mở rộng, năm 2018 Khoa tiếp tục mở chương trình đào tạo kỹ sư ngành Kỹ thuật robot với sự hợp tác chặt chẽ với Trường Đại học Công nghệ Chiba, Nhật Bản. Hiện nay số lượng giảng viên, sinh viên của Khoa đã tăng cao, khẳng định vị thế phát triển ngày càng lớn mạnh của Khoa.

2. Định hướng phát triển

  • Đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao đạt chất lượng quốc tế và bồi dưỡng nhân tài trong lĩnh vực ĐTVT.
  • Sáng tạo và chuyển giao những kết quả, sản phẩm KHCN tiên tiến; tạo ra một số trường phái nghiên cứu KH-CN mạnh trong lĩnh vực ĐTVT.
  • Phát triển đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu KHCN của ngành ĐTVT đạt trình độ khu vực và từng bước tiếp cận trình độ quốc tế.
  • Hợp tác toàn diện với các cơ sở nghiên cứu khoa học, các tập đoàn công nghệ cao có uy tín trong nước và quốc tế trong việc triển khai các hoạt động đào tạo và nghiên cứu KH-CN trong lĩnh vực ĐTVT.
  • Kết hợp chặt chẽ đào tạo, NCKH và dịch vụ để đa dạng hóa và tăng tỷ trọng nguồn thu bổ sung, đặc biệt là các nguồn thu từ đào tạo chất lượng cao, nghiên cứu KH-CN trình độ cao dựa trên sự đầu tư của các dự án trọng điểm để tiếp tục hiện đại hóa các phòng thực hành và phòng thí nghiệm nghiên cứu.

3. Các chương trình đào tạo đang triển khai

  • Cử nhân ngành Công nghệ, kỹ thuật Điện tử Viễn thông hệ CLC – TT 23
  • Kỹ sư ngành Kĩ thuật máy tính
  • Kỹ sư ngành Kĩ thuật robot
  • Thạc sĩ chuyên ngành Kỹ thuật Điện tử và Kỹ thuật Viễn thông
  • Tiến sĩ các chuyên ngành Kỹ thuật Điện tử và Kỹ thuật Viễn thông

4. Khoa học công nghệ

Tính đến 2012, các nhà khoa học trong Khoa ĐT-VT đã hoàn thành hơn 60 đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó có 02 đề tài khoa học cấp nhà nước (PGS.TS. Trần Quang Vinh, PGS.TS Bạch Gia Dương) với kinh phí khoảng 6,5 tỉ đồng, 03 đề tài trọng điểm cấp ĐHQGHN (xếp loại tốt), 03 đề tài đặc biệt cấp ĐHQGHN (3/3 xếp loại tốt), hơn 20 đề tài cấp ĐHQGHN do Trường ĐHCN quản lý, 02 đề tài nghiên cứu cơ bản và 02 đề tài liên kết phối hợp với các cơ quan đối tác (Trung tâm Khoa học – Công nghệ thuộc Bộ Quốc phòng; Tổng Công ty Điện tử – Tin học Việt Nam). Hiện nay, bên cạnh nhiều đề tài cấp ĐHQGHN do Trường ĐHCN quản lý, Khoa còn có 02 đề tài trọng điểm cấp ĐHQGHN, 01 đề tài với thành phố Hà Nội, 02 đề tài nghiên cứu cơ bản cấp Bộ Khoa học Công nghệ. Các đề tài phối hợp với các cơ quan đối tác mang tính triển khai ứng dụng cao. Năm 2006, TS. Lê Vũ Hà được Sở Khoa học – Công nghệ Hà Nội giao làm chủ trì đề tài nghiên cứu khoa học ứng dụng với tổng kinh phí 700 triệu đồng, và TS. Nguyễn Thăng Long được Bộ Khoa học Công nghệ giao làm chủ trì đề tài nghiên cứu khoa học cơ bản cấp Bộ với tổng kinh phí 750 triệu đồng, họ đều là các cán bộ trẻ của Khoa ĐTVT.

Tiếp tục đẩy mạnh hoạt khoa học công nghệ, hiện nay Khoa đang triển khai 01 đề án đặc biệt phối hợp giữa hai ĐHQG (Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh) trong lĩnh vực thiết kế chíp về “Nghiên cứu, thiết kế và thực thi thử nghiệm bộ mã hoá tín hiệu video, ứng dụng trong các thiết bị đa phương tiện thế hệ mới” do PGS.TS. Trần Xuân Tú chủ nhiệm phía ĐHQGHN. Lĩnh vực này đã và đang được Khoa ĐTVT cũng như Trường ĐHCN và ĐHQGHN tập trung phát triển đáp ứng nhu cầu phát triển trong hơn 5 năm qua. Với vai trò là đơn vị chủ lực trong khu vực miền Bắc về nghiên cứu phát triển thiết kế chíp, hãng Synopsys đã tài trợ cho Khoa các công cụ hỗ trợ thiết kế vi mạch (thiết kế số và tương tự) với kinh phí tương đương 12 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cán bộ của Khoa trong năm 2012 đã triển khai thêm 01 đề tài nghị định thư với Pháp, 02 đề tài tại Trung tâm Hỗ trợ Châu Á, 01 đề tài trọng điểm cấp ĐHQGHN, 02 đề tài đặc biệt cấp ĐQHGHN, với tổng kinh phí khoảng 4 tỷ đồng.

Thông qua việc hoàn thành thắng lợi các đề tài nghiên cứu khoa học – triển khai công nghệ, các sản phẩm kết quả đã tham gia Hội chợ TechMart tại Hoà Bình, Hà Nội, Quảng Nam … Một số sản phẩm của một số nhà khoa học trong khoa (PGS. TS. Ngô Diên Tập, PGS.TS. Bạch Gia Dương, …) đã được một số đơn vị đặt hàng tại các Hội chợ. Tại hội chợ Techmart Quảng Nam 2011 vừa qua, 8 sản phẩm đặc sắc của cán bộ Khoa Điện tử Viễn thông đã được trưng bày, đã nhận được sự quan tâm đông đảo của nhiều người tham dự hội chợ và các doanh nghiệp. Qua 04 ngày tham gia hội chợ, Cán bộ Khoa đã ký kết được 04 bản ghi nhớ với tổng giá trị hợp đồng chuyển giao công nghệ/thiết bị lên tới trên 01 tỷ đồng. Trong số 8 sản phẩm, có 01 sản phẩm đạt Huy Chương Đồng tại Triển lãm “2011 Taipei International Invention Show and Technomart” tại Đài Loan và Cúp vàng Techmart Quốc tế 2012. Hiện Khoa đã có 02 sản phẩm đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ cấp quốc gia (vượt qua vòng thẩm định hình thức năm 2012).

Số lượng báo cáo khoa học được đăng trên Tạp chí khoa học chuyên ngành, Kỷ yếu Hội thảo khoa học trong nước và quốc tế ngày càng tăng. Đặc biệt là, từ năm 2005 đến nay, có hơn 120 báo cáo tại các hội nghị quốc tế, hơn 40 bài báo tạp chí quốc tế.

Nhằm thể hiện sự đánh giá ảnh hưởng và giá trị của các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ của các nhà khoa học có chỉ số h-index cao, đồng thời động viên khích lệ các nhà khoa học tích cực công bố các công trình nghiên cứu của mình trên hệ thống các tạp chí khoa học công nghệ chuyên ngành quốc tế, quảng bá hoạt động nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam trong cộng đồng nghiên cứu quốc tế, năm 2008, Nhà xuất bản Elsevier đã có sáng kiến tổ chức lễ trao giải thưởng “Elsevier Scopus Prize” đầu tiên tại Việt Nam cho cố GS. TSKH. Nguyễn Phú Thùy. Nhóm các cán bộ của Khoa đã hoàn thành nhiều chương sách và sách xuất bản trong và ngoài nước.

Hai cán bộ của Khoa, cố GS.TSKH. Nguyễn Phú Thùy và PGS.TS. Trần Quang Vinh, đã có vinh dự được tặng Giải thưởng ĐHQGHN về Khoa học và Công
nghệ 5 năm lần thứ nhất 2001-2006, với công trình “Nghiên cứu các vật liệu liên kim loại có hiệu ứng từ nhiệt khổng lồ (giant mgneto-caloric effect – GMCE) dùng trong các thiết bị làm lạnh từ thế hệ mới”; Nhóm nghiên cứu của Bộ môn Vi cơ Điện tử và Vi hệ thống của đã được tặng giải thưởng Nhân tài Đất Việt liên tục hai năm liền (Giải thưởng “Vì lợi ích cộng đồng” năm 2007 về “Hệ thống thiết bị giám sát tình trạng bệnh nhân” và Giải Ba năm 2008 về “Hệ thống dẫn đường tích hợp INS/GPS”); 02 cán bộ của Khoa: PGS.TS. Trương Vũ Bằng Giang, PGS.TS. Trần Xuân Tú đạt giải thưởng Công trình khoa học tiêu biểu cấp ĐHQGHN (2008, 2009), 02 cán bộ của Khoa (TS. Trần Đức Tân, PGS.TS. Chử Đức Trình) đạt giải thưởng Nhà khoa học trẻ cấp ĐHQGHN (2008, 2010); cố GS.TSKH. Nguyễn Phú Thùy và nhóm nghiên cứu đạt Giải Nhất Giải thưởng Khoa học Công nghệ Trường ĐHCN năm năm lần thứ nhất (2005-2010) Giai đoạn 2009-2011 Khoa có thêm 04 giảng viên được bổ  nhiệm chức danh PGS, trong đó có 03 ở độ tuổi dưới 40, trong đó PGS.TS. Chử Đức Trình được bổ nhiệm chức danh PGS trước thời hạn.

Từ giữa năm 2006, nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu của trường ĐHCN bằng cách tăng cường hiệp lực giữa các khoa trong trường, Khoa ĐTVT đã tham gia thành lập và phát triển hai dự án có đầu tư lớn của ĐHQGHN cho trường ĐHCN: “Đầu tư chiều sâu trang thiết bị, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng công nghệ cho phòng thí nghiệm các hệ tích hợp thông minh” (SIS) và “Tăng cường năng lực nghiên cứu triển khai vật liệu và linh kiện theo công nghệ Micro và Nano”. Các phòng thí nghiệm này đã được triển khai từ tháng 9 năm 2006 và sẽ hoàn thiện vào cuối năm 2009, tạo điều kiện thuận lợi để hoàn thành mục tiêu đào tào và nghiên cứu của Khoa.

Từ năm 2008 đến nay, nhằm tạo diễn đàn quốc tế trao đổi về khoa học công nghệ giữa các cán bộ khoa học Việt Nam cũng như các nhà khoa học, kỹ sư trên thế giới trong lĩnh vực Điện tử,  Truyền thông và các lĩnh vực có liên quan, cán bộ khoa Điện tử – Viễn thông đã đóng vai trò chủ chốt (Technical Program Committee Chair, Finance Chair, Publication Chair, Secretariat), tích cực hợp tác với Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam (REV), Hiệp hội Truyền thông thuộc IEEE (IEEE-ComSoc) để tổ chức thành công các Hội nghị Quốc tế về các Công nghệ Truyền thông tiên tiến (ATC). Hội nghị được tổ chức thường niên, tính đến năm 2012 là lần thứ năm. Hội nghị đã được đánh giá cao và được IEEE-ComSoc xem như portfolio conference, sánh ngang với các hội nghị hàng đầu của IEEE-Comsoc

Tiếp nối sự thành công của Hội nghị ATC, tháng 1 năm 2011, tạp chí REV Journal on Electronics and Communication đã ra đời. Tạp chí được xuất bản định kỳ 3 tháng/lần, là sản phẩm hợp tác giữa Hội vô tuyến Điện tử Việt Nam (chi Hội Vô tuyến Điện tử Khoa Điện tử Viễn thông, Trường Đại học Công nghệ đóng vai trò chủ chốt)  phối hợp với  IEEE-ComSoc. Mục tiêu của tạp chí là tạo cơ hội cho cộng đồng nghiên cứu quốc tế cũng như các nhà khoa học Việt Nam xuất bản các kết quả nghiên cứu có chất lượng từ các lĩnh vực điện tử, truyền thông và kỹ thuật máy tính.

Từ năm 2011, với mục tiêu tạo dựng một diễn đàn quốc tế để các nhà khoa học báo cáo và trao đổi các kết quả, kinh nghiệm và hoạt động nghiên cứu liên quan đến thiết kế vi mạch (thiết kế chip) và các vấn đề liên quan đến công nghệ bán dẫn, Trường Đại học Công nghệ (với các thành viên chủ chốt đến từ Khoa ĐTVT) phối hợp với Hiệp hội các kỹ sư điện tử, tin học và truyền thông của Nhật Bản (IEICE: The Institute of Electronics, Information and Communications Engineers) tổ chức thành công Hội thảo ICDV 2011, ICDV 2012. Đây là hội thảo quốc tế lớn về thiết kế vi mạch và thiết bị điện tử tại Việt Nam. Mỗi năm Hội thảo đã thu hút được gần 100 nhà khoa học của các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp điện tử đến từ Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Belarus, Đài Loan, Việt Nam… tham dự.

5. Hợp tác – đối ngoại

Trong nhiều quan hệ hợp tác quốc tế mà Khoa đã thiết lập được chú trọng nhất là việc kết hợp với các đại học nước ngoài để phát triển chương trình đào tạo đạt trình độ quốc tế tại Khoa.

Chương trình ĐTVT nằm trong khuôn khổ nhiệm vụ chiến lược của ĐHQGHN về đào tạo đạt trình độ quốc tế, tham khảo tích cực các chương trình của Đại học Quốc gia Singapore (NUS) và Đại học Illinois at Urbanna-Champaign (UIUC). Chương trình có sự tham gia giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu của các Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ thuộc khoa cùng các Giáo sư mời đến từ các đại học có uy tín từ Mỹ, Pháp Canada, Nhật, Belarus…

Chương trình đào tạo liên kết thạc sĩ về Thông tin, Hệ thống và Công nghệ, nằm trong khuôn khổ dự án Trung tâm Đại học Pháp (Pole Universitaire Francais – PUF), kết hợp với Đại học Paris Sud 11 và Trường SUPELEC của Pháp.

Trường ĐHCN đã ký kết hợp tác với Đại học Yuan-Ze, Đài Loan trong việc công nhận kết quả tương đương các môn học của chương trình đào tạo thạc sĩ Chuyên ngành Kỹ thuật Điện tử tại Trường ĐHCN với chương trình tương ứng phía Đại học Yuan-Ze, tạo điều kiện thuận tiện cho các học viên cao học trong việc chuyển tiếp sang học chương trình sau đại học tại Đại học này.

Bên cạnh việc góp phần nâng cao năng lực đào tạo, các chương trình này còn tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ của Khoa thiết lập được các hợp tác nghiên cứu. Một số hợp tác cụ thể như có 02 nhóm nghiên cứu của Khoa kết hợp với 02 nhóm nghiên cứu của Đại học Paris Sud 11 và Trường SUPELEC với 01 đề tài nghị định thư, nhiều cán bộ của Khoa được gửi đi làm NCS, có những công trình nghiên cứu chung với các trường đối tác.

Trong nước, Khoa ĐTVT đã thiết lập và phát huy các quan hệ với các đơn vị chủ chốt trong lĩnh vực ĐTVT về đào tạo với Học viện Kỹ thuật Quân sự, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông…; về nghiên cứu với Viện KHCN Bộ quốc phòng; về nghiên cứu phát triển và hướng nghiệp, thực hành và thực tiễn với VTN, Viettel, MobiFone…Khoa ĐTVT đã phối hợp với Trung tâm Đào tạo Viettel xây dựng thành công bộ ngân hàng câu hỏi các chuyên ngành trong lĩnh vực ĐTVT để sát hạch kỹ sư cho tập đoàn Viettel.

6. Một số thành tựu nổi bật

Khoa ĐTVT đã Giám đốc ĐHQGHN tặng bằng khen hai lần, lần thứ nhất vào năm 2006, ghi nhận một quá trình phấn đấu 10 năm của Khoa ĐTVT và lần thứ hai vào năm 2012 ghi nhận thành tích xuất sắc trong đào tạo Nhiệm vụ Chiến lược.

Bằng khen Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (2011);
05 cán bộ được tặng Huân chương Lao động hạng ba;
03 cán bộ được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ;
20 cán bộ được tặng Huy chương vì sự nghiệp giáo dục;
20 cán bộ được tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp phát triển ĐHQGHN;
Nhiều cán bộ được tặng Bằng khen của Bộ Giáo dục Đào tạo, Giám đốc ĐHQGHN, Trung ương Đoàn, Thành Đoàn Hà Nội, Hội Vô tuyến Điện tử – Việt Nam…;
03 giảng viên được tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú”;
Nhiều cán bộ được cộng nhận “Giáo viên dạy giỏi”, “Chiến sỹ thi đua” cấp ĐHQGHN, nhiều lượt cán bộ được công nhận là Giáo viên dạy giỏi, Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở;
02 năm liên tiếp nhận Giải thưởng Nhân tài Đất Việt (2007, 2008);
02 cán bộ được tặng Giải thưởng Khoa học Công nghệ 5 năm lần thứ nhất 2001-2006 cấp ĐHQGHN
01 nhóm nghiên cứu được tặng Giải Nhất Giải thưởng Khoa học Công nghệ 5 năm lần thứ nhất (2005-2010) cấp ĐHCN.
01 cán bộ được nhà xuất bản quốc tế Elsevier trao tặng giải thưởng “Elsevier Scopus Prize” lần đầu tiên tại Việt Nam, về chất lượng và độ ảnh hưởng của các công trình nghiên cứu thông qua tiêu chuẩn h-index.
04 cán bộ được tặng các Giải thưởng Công trình Khoa học tiêu biểu cấp ĐHQGHN, Nhà khoa học trẻ ĐHQGHN.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here